Thay đổi để phát triển như hãng Fujifilm đã làm.
20 / 02 / 2017 - Sản phẩm công nghệ
Một nhà khoa học làm việc cho hãng Fujifilm, bà Tomoko Tashiro từng được giao nhiệm vụ phát triển công nghệ về giấy in ảnh màu.
Song khi trở lại làm việc sau đợt nghỉ thai sản hồi năm 2005, bà bất ngờ khi được hỏi liệu mình có muốn tham gia làm việc cho một liên doanh mỹ phẩm cũng của Fujifilm hay không.
“Tôi bị sốc. Lúc đó tôi không chắc liệu dự án có thể được hoàn tất hay không. Mọi người đều lo lắng không biết hãng công nghệ có thể làm tốt trong mảng mỹ phẩm và thực phẩm bổ sung hay không”, bà Tashiro chia sẻ. Hiện nay, mỹ phẩm và chăm sóc sức khỏe là mảng đem lại lợi nhuận cao nhất cho Fujifilm, đóng góp cho tổng doanh thu doanh nghiệp hơn 3,4 tỉ USD mỗi năm.
Ý chí chuyển mình quyết liệt và thích ứng nhanh với sự thay đổi của thị trường là những gì giúp Fujifilm, công ty Nhật Bản từng là “nhà khổng lồ” trong lĩnh vực phim nhiếp ảnh - sống và phát triển mạnh trong thời đại kỹ thuật số, ngay cả khi đối thủ Kodak đã lùi về quá khứ và là bài học về thất bại do thiếu sự đổi mới.
Mới đây, Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Fujifilm Shigetaka Komori có chia sẻ trong chương trình Inside the Storm: Back from the Brink (Trong tâm bão: Trở lại từ bờ vực thẳm) của kênh AsiaNews về câu chuyện đổi mới ở doanh nghiệp mình.
Thành lập năm 1934, Fujifilm từng có nhiều thập niên hưởng vị trí gần như độc quyền trong mảng phim chụp ảnh ở Nhật Bản. Khi làn sóng kỹ thuật số đầu tiên đến vào năm 1980, tác động mới chỉ gói gọn trong thị trường doanh nghiệp. Fujifilm khi đó đi tắt đón đầu, bắt đầu cung cấp máy X-quang kỹ thuật số cho các bệnh viện.
Chủ tịch kiêm CEO Shigetaka KomoriBLOOMBERG |
Ông Komori cho biết doanh nghiệp quyết định không từ bỏ công nghệ kỹ thuật số bất chấp thực tế rằng điều này chẳng khác gì việc gây thiệt hại cho chính tầm nhìn của hãng. Ông lý giải: “Nếu chúng tôi không làm thì công ty khác sẽ làm. Đó là lý do vì sao tôi đã quyết định chúng tôi nên bước vào kỹ thuật số, trở thành một doanh nghiệp có chân trong mảng kỹ thuật số”.
Năm 1988, Fujifilm cho ra mắt máy ảnh kỹ thuật số hoàn toàn đầu tiên trên thế giới: mẫu FUJIX DS- 1P. Chiếc máy này có thể lưu trữ từ 5 đến 10 bức ảnh trong thẻ nhớ, tự hào với chất lượng ảnh là 1,1 megapixel. Song FUJIX DS- 1P đắt đỏ khi có giá đến hơn 10.000 USD ở thời điểm đó. Vì vậy, nó chỉ được các chuyên gia trong ngành công nghiệp báo chí sử dụng.
“Đó không phải là mức giá mà một người nghiệp dư bình thường có thể chi trả… ngoài ra còn có vấn đề lớn với độ phân giải. Vì vậy, nhiếp ảnh kỹ thuật số không bao giờ bắt kịp được với nhiếp ảnh bình thường”, ông Komori nói.
Dù vậy, thời đại kỹ thuật số thực sự chưa đến vào thập niên 1980. Thị trường phim chụp ảnh vẫn tiếp tục phát triển sau đó. Đến năm 2001, 2/3 lợi nhuận doanh nghiệp vẫn đến từ phim chụp ảnh.
Fujifilm phải bỏ dự án kinh doanh mới dù đã đi tiên phong về máy ảnh kỹ thuật số từ một thập niên trước đó. Hãng nhận định rằng ảnh sẽ vẫn sống được và đầu tư hàng triệu USD vào dòng sản phẩm Instax Mini - máy ảnh chụp phim cho phép chụp và in ảnh chỉ trong vài giây. Năm 2002, Fujifilm bán hàng triệu chiếc máy loại này.
Fujifilm đột phá từ lĩnh vực phim chụp ảnh đến mỹ phẩm, giúp hãng sống sót trong thời kỹ thuật sốCHANNEL NEWSASIA |
Song thời đại kỹ thuật số thực sự cuối cùng cũng đến. Năm 2003 là thời điểm khó khăn nhất của công ty: doanh số phim chụp ảnh giảm 1/3 trong chưa đầy một năm. Chỉ trong sáu tháng, từ chỗ bán được 5.000 cuộn phim một ngày, các cửa hàng của hãng chỉ còn bán được chưa đến 1.000 cuộn. Thị trường đem lại 2/3 lợi nhuận cho doanh nghiệp biến mất trong chớp mắt.
“Lúc đầu tôi nghĩ rằng phim màu sẽ không biến mất một cách dễ dàng, nhưng kỹ thuật số đã đẩy nó đi trong chớp mắt”, ông Komori nhớ lại. Thêm vào đó, thời điểm này xuất hiện một công nghệ đột phá mới: điện thoại di động. Yếu tố này cách mạng hóa nhiếp ảnh kỹ thuật số. Các bức ảnh kỹ thuật số trở nên rẻ hơn, nhanh hơn. Các trang mạng xã hội Facebook, Twitter và Instagram trở thành những cái tên tiên phong mới trong làng nhiếp ảnh giữa lúc doanh số smartphone tăng vọt.
Thay đổi mạnh là điều Fujifilm cần. Quyết định đầu tiên của hãng diễn ra ở các cơ sở sản xuất phim chụp ảnh: cắt giảm khoảng 5.000 việc làm. Hơn 5 tỉ USD chi phí được tinh gọn trong quá trình này song công ty vẫn đối mặt với trận chiến lớn trong việc tạo ra thu nhập mới.
Ông Komori đưa ra kế hoạch mang tính thay đổi để đa dạng hóa Fujifilm vào các ngành công nghiệp dược phẩm, y tế và mỹ phẩm. Đây là các mảng gần như hoàn toàn không liên quan đến nhiếp ảnh nhưng Fujifilm hiểu rằng công nghệ luôn có tiềm năng ứng dụng bên ngoài lĩnh vực nhiếp ảnh.
Hiện tại, công ty tích lũy được khoảng 20.000 hợp chất hóa học sau gần một thập niên nghiên cứu. Tất cả từng được nghiên cứu, phát triển cho phim chụp ảnh song giờ đây sẽ là thành phần cho bộ phận sản xuất dược phẩm mới của doanh nghiệp Nhật.
Tanaso nhà xây dựng bể bơi sưu tầm.
Hotline:0904.856.123